Asset Publisher

null BẢO ĐẢM TÍNH TÔN NGHIÊM CỦA QUỐC CA VÀ QUYỀN THỤ HƯỞNG CỦA NGƯỜI DÂN

Trang chủ Chi tiết bài viết

BẢO ĐẢM TÍNH TÔN NGHIÊM CỦA QUỐC CA VÀ QUYỀN THỤ HƯỞNG CỦA NGƯỜI DÂN

Đề cập đến sự cố đáng tiếc trong sự kiện thể thao quốc tế, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ nhất trí với quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trên không gian mạng ngày càng phổ biến

Bày tỏ tán thành với Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: "Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca" là phù hợp với thực tiễn của nước ta hiện nay.

Theo đại biểu, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, nên việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.

"Vừa qua, có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta, cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết", ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc...Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện về mọi mặt, việc khai thác, sử dụng, tiếp cận trên không gian mạng ngày càng phát triển thì việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thể dục thể thao không chỉ ở trong nước, nước ngoài mà còn diễn ra trên không gian mạng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền... liên quan đến các đối tượng đặc biệt này.

"Dưới góc độ bản quyền, có thể xảy ra vụ việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định của pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam; hoặc xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam; lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca...", đại biểu phân tích.

Với các lý do trên, ĐBQH Nguyễn Hải Anh hoàn toàn nhất trí, đồng tình cao bổ sung khoản 2, Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ về việc không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Điều này vừa đảm bảo tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của Nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn trong và ngoài nước.

Không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính

Liên quan việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, pháp luật hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu thu hẹp không xử phạt như đề nghị của Chính phủ thì phải chuyển sang xử lý tố tụng dân sự, điều này sẽ mất thời gian, gây tốn kém, lãng phí. Trong khi đó, việc xử phạt rất nhanh gọn, thủ tục đơn giản, sau xử lý có thể chấm dứt hành vi vi phạm của đối tượng.

"Quan trọng hơn là việc xử lý vi phạm không làm hạn chế các đối tượng có thể khởi kiện ra tòa án nếu chưa hài lòng việc xử lý vi phạm. Mặt khác, nếu tố tụng mà bên liên quan không khởi kiện ra tòa thì nhà nước cũng không thể can thiệp được, cho nên việc không thu hẹp đối tượng vi phạm là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời, còn giảm tải cho tòa án trong lĩnh vực này", đại biểu lý giải và đề nghị không thu hẹp.

"Việc áp dụng biện pháp hành chính trong Luật Sở hữu trí tuệ đối với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý, vì biện pháp xử lý hành chính thủ tục đơn giản, nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc này không những đảm bảo bảo vệ được quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo trật tự quản lý hành chính" - ĐBQH Phạm Văn Thi (Bắc Giang) nhận định.

Theo ông, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự, nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Do đó, không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Nguồn: CAND

Asset Publisher

Untitled Banner hình ảnh

Untitled Banner hình ảnh

Untitled Banner hình ảnh

Untitled Banner hình ảnh